Hội Ca Đoàn Giáo Họ Thánh Giuse Thiên Lý

Giao Lưu Chia Sẻ Kết Nối Tình Huynh Đệ
Trang ChínhTrang ChủGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

Share|

VĂN HÓA ĐỊA DANH TRUNG QUỐC

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Tác giảThông điệp

dom.tamtv
๑۩۞۩๑ †_Quản Trị Viên Cao Cấp_† ๑۩۞۩๑

dom.tamtv


Huy chương cấp bậc: ๑۩۞۩๑ †_Quản Trị Viên Cao Cấp_† ๑۩۞۩๑
Tổng số bài gửi : 46
Điểm : 281
Tham gia : 08/05/2012
Đến từ : Nam Định

Liên hệ
VĂN HÓA ĐỊA DANH TRUNG QUỐC Empty


Trần Phú Huệ Quang


Đi từ khái niệm của văn hóa, trong hệ thống các giá trị vật chất và
tinh thần, ngôn ngữ thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần. Mặt khác, ngôn ngữ
là vật dẫn của văn hóa. Nghiên cứu ngôn ngữ, đặc biệt là từ vựng, giúp
chúng ta hiểu được nhiều vấn đề về lịch sử, xã hội, chính trị, kinh tế,
phong tục tập quán, v.v. của dân tộc. Song, từ vựng là một hệ thống đồ
sộ, khó mà khảo sát được toàn diện các vấn đề văn hóa trên toàn bộ hệ
thống đó. Bài viết chỉ đi vào một phương diện của từ vựng, đó là địa
danh.



1. Địa danh và văn hóa

Địa danh là một hiện tượng ngôn ngữ, về bản chất nó là một hiện tượng văn hóa.

Địa danh được sinh ra cùng văn hóa. Địa danh có lịch sử lâu đời, từ khi
xuất hiện nó đã trở thành một bộ phận của văn hóa, nó là kết quả tất
nhiên của văn hóa, là một trong những thành quả đầu tiên và là một trong
những tiêu chí của văn hóa nhân loại [Ngưu Nhữ Thìn 1993: 4].

Địa danh phát triển cùng văn hóa. Lịch sử văn hóa của con người trải qua
gần trăm vạn năm, quá trình phát triển của văn hóa từ đơn giản đến phức
tạp, từ đơn nhất đến phong phú. Địa danh trong quá trình này cùng đồng
hành với văn hóa. Trước khi có tín ngưỡng vật tổ, nhóm người nguyên thủy
sống cuộc sống di cư, không có tên gọi của quần thể, cũng không có tên
gọi của địa danh. Sau đó, các nhóm người biết lấy các loài động vật,
thực vật làm vật tổ cho họ. Khi có tín ngưỡng vật tổ, mỗi thị tộc, bộ
lạc có tên gọi vật tổ riêng, và khi họ định cư ở một nơi nào đó, họ
thường lấy tên của thị tộc, bộ lạc của họ làm tên đất nơi họ ở.

Địa danh là một hiện tượng văn hóa. Văn hóa bao trùm mọi phương diện của
cuộc sống con người. Hầu hết các hiện tượng xã hội và hành vi của con
người đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa. Địa danh là kết quả của
hành vi xã hội của con người, có liên quan mật thiết đến các yếu tố như
tâm lý xã hội, đời sống xã hội, phong tục tập quán, v.v.. Qua vô số các
hiện tượng của địa danh có thể quan sát được nhiều vấn đề như tâm lý xã
hội, đời sống xã hội, phong tục tập quán, v.v..

Địa danh là vật dẫn của văn hóa. Cũng như một số hiện tượng ngôn ngữ
khác, địa danh là công cụ vận chuyển và truyền bá tích cực trong quá
trình phát triển của văn hóa. Qua địa danh chúng ta có thể tìm hiểu văn
hóa thời thượng cổ, bởi nó còn lưu lại dấu vết của thời thượng cổ mà
bằng con đường khác chúng ta khó tìm hiểu được do thời gian quá xa. Ở
vùng Hoàng Thảo Lĩnh, Nga Trát Hương tỉnh Vân Nam ngày nay còn tồn tại
những địa danh có đặc điểm là “tên liên tiếp nhau”: Đọa thiết, Đa Sa
(Đọa Thiết Sa), Đa Phổ (Đa Sa Phổ), Đa Lạc (Đa Phổ Lạc), Đa Cước (Đa Lạc
Cước). Đặc điểm này góp phần phản ánh chế dộ thị tộc thời xa xưa. Mỗi
thị tộc trong quá trình phát triển đã phân ra rất nhiều thị tộc con, các
thị tộc con này kết hợp với thị tộc mẹ tạo thành bào tộc, nhiều bào tộc
kết hợp thành bộ lạc, nhiều bộ lạc kết hợp thành liên minh bộ lạc. Mối
quan hệ nội tại của các thị tộc con tất nhiên là mối quan hệ huyết
thống. Mối quan hệ bên ngoài và hình thức kết nối giữa chúng được thể
hiện qua địa danh. Địa danh có kết cấu tên liên tiếp như vậy có lẽ xuất
hiện sớm hơn tên người với hình thức tên con kế thừa tên cha (phụ tử
liên danh chế), bởi địa danh này ra đời trong thời kỳ xã hội thị tộc
phân chia, còn tên người có kết cấu kế thừa ra đời khi xây dựng gia đình
phụ hệ. Như vậy có thể đặt giả thiết rằng, cách đặt tên địa danh ban
đầu là sự gợi ý cho cách đặt tên người.


2. Hàm nghĩa văn hóa trong một số địa danh Trung Quốc

a. Địa danh phản ánh lịch sử

Một số địa danh những tưởng là rất bình thường, nhưng khi nghiên cứu sâu
mới phát hiện ra chúng không đơn giản, tên gọi của chúng có thể giúp
hiểu sâu hơn lịch sử của một thời kỳ nào đó, hoặc một sự kiện lịch sử
nào đó.

Vùng Hải Điện ở Bắc Kinh có một thôn tên là Lục Lang. Tên thôn ghi dấu
một sự kiện lịch sử hào hùng. Tương truyền Dương gia tướng Dương Lục
Lang đời Tống đã từng thống lĩnh đội quân chống lại quân Kim ở nơi này,
người đời sau tưởng nhớ đến ông nên đặt tên cho thôn này là thôn Lục
Lang.

Đời Thanh, thủ lĩnh tộc Mãn Nô-Nhi-Ha-Sa trong quá trình thống nhất các
bộ lạc Nữ Chân đã sáng lập nên chế độ “Bát kỳ” /八旗. Bát kỳ lấy màu cờ
làm tiêu chí. Ngày nay ở Bắc Kinh còn rất nhiều địa danh mang chữ “Kỳ”,
như Lam Kỳ Cung, Tứ Tam Kỳ, v.v..

Bắc Kinh không chỉ nổi tiếng trên thế giới nhờ vào danh lam thắng cảnh,
mà còn được biết đến bởi một đặc điểm đặc biệt, đó là hệ thống các con
hẻm (“hồ đồng”/ 胡同). Hệ thống các con hẻm là một hiện tượng đặc biệt ở
Bắc Kinh. Số lượng rất lớn, người ta thường nói “ở Bắc Kinh các con hẻm
nổi tiếng có đến 3600 hẻm (con số tượng trưng cho số lượng nhiều), số
lượng các con hẻm không nổi tiếng có thể so sánh với lông con bò”. Câu
nói này tuy có hơi khoa trương, nhưng cũng không phải là không căn cứ.
Theo thống kê năm 1989 của giáo sư Trương Thanh Thường, Bắc Kinh có đến
1320 con hẻm, chiếm 21,26% tổng các đường, hẻm toàn Bắc Kinh. Con hẻm
của Bắc Kinh không chỉ là nhiều, mà tên gọi của chúng cũng rất kỳ lạ, ví
dụ như hẻm Đại Quải Bổng (Đại Quải Bổng hồ đồng /大拐棒胡同), hẻm Mạo Nhi
(Mạo Nhi hồ đồng 帽儿胡同), hẻm Vũ Nhi (Vũ Nhi hồ đồng 雨儿胡同), hẻm Thố (Thố
hồ đồng 醋胡同), hẻm Yên Nhi (Yên Nhi hồ đồng) v.v.. Có thể nói vạn vật
thế gian không có gì là không có tên cả và không có cái gì không thể lấy
làm tên!

Từ “hồ đồng” (con hẻm) có nguồn gốc từ tiếng Mông Cổ, chứ không nằm
trong từ vựng của tịếng Hán. Đã như vậy thì tại sao Bắc Kinh có nhiều
“hồ đồng” đến thế? Theo một số tài liệu, từ “hồ đồng” bắt đầu có từ đời
Nguyên. Triều Nguyên là do tộc Mông Cổ sáng lập, lúc đó tộc Mông cổ rất
mạnh, đánh bại nhà Tống do người Hán cầm quyền, làm chủ Trung Nguyên,
lập đô ở Bắc Kinh. “Hồ đồng” ở Bắc Kinh nhiều như vậy không thể không
liên quan đến sự kiện lịch sử người Mông Cổ thống trị Trung Quốc.

Hương Cảng /香港 vào thời chiến tranh Nha Phiến trở thành thuộc địa của
Anh. Trong thời kỳ dài dưới sự thống trị của Anh, ở Hương cảng nơi nơi
đều có dấu tích của văn hóa thực dân, về điểm này chỉ cần quan sát địa
danh cũng có thể nhận ra đôi điều. Hương Cảng có không ít con đường manh
tên tiếng Anh. Sau khi Hương Cảng được trả lại Trung Quốc, có người đề
nghị phải thay đổi tất cả tên những con đường này, nhưng cũng có người
phản đối việc đổi tên. Những người chủ trương đổi tên cho rằng Hương
Cảng đã kết thúc thời kỳ thực dân thống trị, đã trở về với tổ quốc,
đương nhiên phải xóa bỏ triệt để các địa danh mang dấu ấn văn hóa thực
dân, mang màu sắc tủi nhục. Những người phản đối đổi tên cho rằng địa
danh là địa danh, nó do con người đặt ra nên thành thói quen, không nên
thay đổi, hơn nữa nên giữ lại một số dấu tích của thời kỳ thực dân để
nhắc nhở con cháu đời sau. Điều này chứng minh một sự thật, địa danh
không đơn giản là địa danh, nó phản ánh lịch sử, nó mang ý thức xã hội.
Từ các địa danh ở Hương Cảng người ta dường như thấy được lịch sử một
trăm năm của Hương Cảng.

b. Địa danh phản ánh sự phát triển và thay đổi của thành thị

Tìm hiểu địa danh không chỉ giúp chúng ta hiểu được lịch sử mà còn giúp
chúng ta thấy được sự thay đổi và phát triển của một số thành thị. Ví dụ
thư thành phố Bắc Kinh có rất nhiều địa danh có chữ “Phần” /坟 (mồ mả)
như Công Chúa Phần /公主坟, Bát Vương Phần /八王坟. Những tên này nghe ra
không hợp với xã hội hiện đại, làm cho người ta có cảm giác âm u đáng
sợ, không thể chịu được. Đường đường là một thành phố Bắc Kinh sao lại
có những tên khó nghe như vậy? Những địa danh này không chỉ làm cho
người nước ngoài không sao hiểu được, mà những người Trung Quốc ở nơi
khác đến, thậm chí là giới trẻ Bắc Kinh cũng cảm thấy kỳ lạ. Những địa
danh này là kỳ quái, song tìm hiểu kỹ sẽ thấy những địa danh này phản
ánh sự thay đổi và phát triển của Bắc kinh. Những nơi này xưa kia vốn
không thuộc thành phố Bắc Kinh, đây là mộ địa của công chúa, quý tộc.
Cùng với sự phát triển của Bắc Kinh, các bãi nghĩa địa trước kia đã trở
thành một bộ phận của thành phố.

Trong thành phố Bắc Kinh còn có nhiều địa danh có chữ cuối là “Trang”,
“Thôn” hoặc “Đồn”, như Xa Công Trang, Hoàng Trang, Quan Trung Thôn, Lục
Lý Đồn, v.v.. Nghe tên những địa danh này tưởng chừng như đây là nông
thôn chính gốc, khó mà tưởng chúng ở trong một thành phố lớn, hiện đại
như Bắc Kinh, bởi vì “trang, thôn, đồn” là những từ chỉ thôn quê điển
hình của Trung Quốc. Kỳ thực, những địa danh này là một tiêu chí rất
quan trọng đối với sự phát triển của Bắc Kinh. Những địa danh này mang
cái tên nhà quê như vậy cho thấy chúng vốn là nông thôn, do sự phát
triển của thành phố mới thay đổi diện mạo trở thành thành viên của thành
phố lớn.

c. Địa danh phản ánh môi trường tự nhiên

Địa danh phản ánh môi trường tự nhiên và sự thay đổi của môi trường tự
nhiên ở một vùng hay đất nước nào đó. Đây là điều không thể phủ nhận
được.

Trung Quốc có nhiều tỉnh có tên gọi liên quan đến sông hồ như Hà Nam, Hà
Bắc, Hồ Nam, Hồ Bắc, v.v.. Tại sao xuất hiện những tỉnh mang tên có chữ
Hà, chữ Hồ như vậy? Những tỉnh này quả nhiên có đặc điểm như tên gọi
của chúng, đích thực là có liên quan đến sông hồ. Sở dĩ gọi là Hà Nam là
bởi vì nó nằm ở phía nam sông Hoàng Hà; gọi là Hà Bắc vì nó nằm ở phía
bắc bờ Hoàng Hà; hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc lấy hồ Động Đình làm ranh
giới, tỉnh nằm ở phía nam hồ gọi là Hồ Nam, tỉnh nằm ở phía bắc hồ gọi
là Hồ Bắc. Như vậy địa danh phản ánh vị trí địa lý mà nó tọa lạc.
Quan sát địa danh cũng có thể thấy được sự thay đổi của môi trường tự
nhiên. Thành phố Bắc Kinh có vùng Hải Điện /海淀, nghe tên gọi có thể cho
rằng vùng này có biển hoặc gần biển. Thế nhưng chẳng những nơi đây không
có biển mà cả thành phố Bắc Kinh cũng cách biển rất xa. Vậy tại sao có
tên Hải Điện? Đúng là Bắc kinh không có biển, nhưng vùng Hải Điện thì có
liên quan mật thiết với nước. Theo một số tài liệu, trước đây quanh
vùng Hải Điện có rất nhiều Hồ chứ không phải khô cạn như ngày nay, sau
này do khí hậu trái đất dần dần nóng lên, lượng mưa ngày càng giảm
xuống, mới dẫn đến tình trạng rất nhiều hồ bị cạn nước. Niên đại 50 thế
kỷ XX phía tây nam tòa nhà chính phủ khu Hải Điện còn có một hồ nước
lớn, gọi là hồ Trì Thủy, bên cạnh có một trường tiểu học tên Trì Thủy
Hồ.

Bắc Kinh ngày nay còn có một nơi tên là Thiên Kiều /天桥. Gọi là Thiên
Kiều khiến người ta liên tưởng đến nước, vì có nước mới xây cầu. Theo
nghiên cứu của giáo sư Trương Thanh Thường, thời Càn Long nhà Thanh, ở
vùng Hổ Phường Lý, đầu nam đường Hổ Phường ngày nay có một hồ không tên,
có một dòng sông nhỏ chảy từ đây về hướng đông, bọc ngoài thành bắc
Thiên Đàn, chia thành hai nhánh, một nhánh chảy vào Thông Huệ Hà, một
nhánh tiếp tục chảy vòng ngoài thành bắc, thành đông Thiên Đàn, đổ vào
con sông ngoại thành. Con sông nhỏ vô danh này trước khi chảy đến mặt
trước của Thiên Đàn thì gặp Chính Dương Môn, cầu được xây nơi đây, nên
gọi là Thiên Kiều. Như vậy gọi là Thiên Kiều là hoàn toàn có căn cứ.

Bắc Kinh ngày nay còn có rất nhiều địa danh có chữ “Hà”, như Nam Hà
Duyên, Bắc Hà Duyên, Tuyên Võ Môn Tây Hà Duyên, Tuyên Võ Môn Đông Hà
Duyên, Tiền Môn Tây Hà Duyên, Tiền Môn Hậu Tây Hà Duyên, Tiền Môn Nam Hà
Ngạn, Sùng Văn Môn Đông Hà Duyên, v.v.. Các địa danh này đều có liên
quan đến sông, ngày nay các con sông ở những nơi này đều không còn nữa.

Tế Nam còn gọi là Tuyền Thành /泉城 , tức “thành phố suối” nổi tiếng của
Trung Quốc. Nhưng ngày nay ai đến Tế Nam đều thấy rằng Tế Nam không có
một con suối nào, đến suối Báo Đột nổi tiếng cũng có khi khô cạn. Gọi là
Tuyền Thành vì quả thực Tế Nam xưa kia đâu đâu cũng có suối, ngày nay
không có suối là do khí hậu, môi trường tự nhiên thay đổi.

d. Địa danh phản ánh sắc thái dân gian

Dân tục là thói quen, phong tục của địa phương, nó không những ảnh hưởng
đến cuộc sống ngày thường của con người mà còn ảnh hưởng đến địa danh
nơi con người sinh sống. Do vậy, từ một số địa danh có thể tìm hiểu được
một vài phong tục của địa phương.

Ở nông thôn Trung Quốc, thường có những tên thôn như thôn Vương, thôn
Dương, Tống Tập, v.v.. Những người hiểu biết về tên họ người Trung Quốc
đều biết tên của những thôn này là lấy họ người. Vậy tên thôn và họ
người có quan hệ như thế nào? Các thôn đó có đặc điểm giống với tên gọi
của chúng, cho thấy cư dân của các thôn này đa số đều có họ là Vương,
Dương, Tống, v.v.. Nói cách khác, địa danh nói lên thành phần kết cấu xã
hội của thôn trang. Thông qua tìm hiểu những địa danh này, chúng ta
hiểu được người Trung Quốc có thói quen ở tập trung toàn gia tộc, và rất
chú trọng thân tình.

Qua địa danh cũng có thể biết được sản phẩm của địa phương. Vân Nam
Trung Quốc có một thành phố gọi là Đại Lý /大理, đá đại lý là sản phẩm nổi
tiếng ở nơi này. Ngoại ô Bắc Kinh có một thôn gọi là thôn Hoa, là thôn
trồng và bán hoa tươi nổi tiếng.

Địa danh còn phản ánh sự phân bố các khu thương nghiệp ở một giai đoạn
nào đó và tình hình phân phối vật tư. Bắc Kinh có nhiều địa danh loại
như vậy, như Mễ Thị Khẩu /米市口 (mễ: gạo), Thái Thị Khẩu /菜市口 (thái: rau),
Đăng Thị Tây Khẩu /灯市西口 (đăng: đèn), hẻm Lý Ngư /鲤鱼 (cá chép), Đồng
Thiết Xưởng /铜铁厂 (xưởng đồng thiết), hẻm Chuyên Ngõa /砖瓦 (chuyên ngõa:
gạch ngói), hẻm Mộc Xưởng 木厂 (xưởng gỗ), v.v.. Từ những đồ dùng trong
cuộc sống thường ngày đến vật liệu xây dựng đều có thể dùng để đặt tên,
có thể nói là địa danh bao hàm không thiếu thứ gì. Đặc điểm của địa
phương giống với tên gọi của nó, quảng cáo rất rõ sản phẩm của địa
phương, đó cũng là tác dụng quảng cáo của địa danh.
Địa danh cũng phản ánh phần nào tình hình nghề nghiệp của địa phương.
Bắc Kinh có hẻm Nãi Tử /奶子,vốn phụ nữ ở vùng này đa số kiếm tiền nuôi
sống gia đình bằng công việc nuôi dưỡng công tử, tiểu thơ các gia đình
giàu có. Ngoài ra Bắc Kinh còn có hẻm Tảo Đường Tử /澡堂子, Trù Tử Dinh
/厨子营, hẻm Thiết Tượng /铁匠, hẻm Châm Tượng /针匠, v.v.. tên những con hẻm
này nói lên nghề nghiệp của những người sống ở đó rất rõ ràng.

Địa danh còn phản ánh tình hình di dân. Bắc Kinh trước đây có rất nhiều
địa danh là tên của thành phố hoặc tên tỉnh của những vùng khác, ví dụ
như hẻm Tô Châu, hẻm Dương Châu, điều này cho thấy cư dân ở những nơi
này là dân di cư từ nơi khác đến. Huyện Đại Hưng đến nay còn có Đồn Lưu
Dinh, Trường Tử Dinh, v.v., phản ánh một sự thật lịch sử là đầu đời Minh
dân cư từ những nơi khác đến ở quanh vùng Bắc Kinh rất đông. Hiện tượng
này ngày nay cũng có. Sau khi cải cách mở cửa, nhân khẩu Trung Quốc
cũng bắt đầu di chuyển, nông dân từ nông thôn ào ạt kéo đến thành phố,
tập trung ở một số thôn vùng ngoại ô, không lâu sau Bắc Kinh xuất hiện
không ít các địa danh đại loại như thôn Triết Giang, thôn Hà Nam, thôn
Tân Cương, v.v.. cho dù đây chỉ là hiện tượng nhất thời, nhưng đây là
một bằng chứng sinh động.


3. Kết luận

Địa danh trước tiên là một hiện tượng ngôn ngữ. So với các hiện tượng
ngôn ngữ khác, địa danh có một số đặc điểm riêng. Thứ nhất, địa danh
mang tính đặc chỉ. Mỗi địa danh liên quan đến một đối tượng cụ thể, đều
là tiêu chí đặc biệt chỉ định một địa phương hay một khu vực nào đó. Thứ
hai, địa danh mang tính ký hiệu. Địa danh khác với từ vựng thông
thường, chúng có thể mất đi hàm nghĩa vốn có trong kho ngôn ngữ, chủ yếu
là loại ký hiệu chỉ định đặc biệt. Ví dụ như “Thượng Hải” không phải là
“trên biển” hay “trên mặt biển”, “Thiên Sơn” không phải là “núi trên
trời”, v.v..

Tuy nhiên ngoài hai đặc điểm trên, địa danh còn có đặc điểm là tính biến
dị. Tính biến dị thể hiện ở các mặt chức năng, hình thức, kết cấu,
v.v.. Ví dụ do tâm lý cộng đồng hiện tượng trùng tên cũng phổ biến, làm
cho tính đặc chỉ và tính ký hiệu giảm đi, đó là biến dị về chức năng; do
nguyên nhân lịch sử, hiện tượng một số chữ trong địa danh có cách đọc
riêng, đó là biến dị về hình thức; biến dị về kết cấu như hiện tượng
thay đổi trật tự tên gọi, có khi là “tên chung + tên riêng”, có khi là
“tên riêng + tên chung”, v.v.. Những biến dị của địa danh có liên quan
đến một số yếu tố bên ngoài, như văn hóa, lịch sử, v.v.. Nếu như nói
tính đặc chỉ và tính ký hiệu làm cho địa danh trở thành một hiện tượng
của ngôn ngữ, thì hiện tượng biến dị của địa danh chính là cái nối kết
giữa địa danh và văn hóa. Một mặt, nó khiến cho hình thái biểu hiện của
địa danh trở nên phức tạp phong phú; mặt khác, nó làm cho địa danh luôn
mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Môi trường và vùng đất mà con người sinh
sống tại sao phải có tên gọi, tên gọi đó phát triển và thay đổi như thế
nào, kết cấu hình thức của tên gọi, hàm nghĩa ẩn trong tên gọi đó, v.v.
tất cả đều xuất phát từ cái gốc văn hóa, đều có thể dùng văn hóa để giải
thích và nghiệm chứng. Cái vỏ vật chất của địa danh – hình thức chữ
viết ngôn ngữ, hình thức kết cấu – là hình thái lộ rõ bên ngoài. Tín
ngưỡng, tập tục, quan niệm thẩm mỹ, tâm lý văn hóa, v.v. được phản ánh
đằng sau kết cấu và hình thức của địa danh chính là nội hàm ẩn bên
trong. Thông qua miêu tả phân tích cái hình thái bên ngoài có thể lộ ra
cái nội hàm văn hóa bên trong. Với ý nghĩa đó, địa danh là một hiện
tượng của văn hóa, là vật dẫn của văn hóa. Ngoài phản ánh một số vấn đề
như đã phân tích bên trên, địa danh còn phản ánh nhiều vấn đề văn hóa
khác như việc sùng bái vật tổ, tín ngưỡng tôn giáo, sự phân bố dân tộc,
chế độ nô lệ, chế độ ruộng đất, văn hóa cầm tinh Trung Quốc, v.v..

Chữ ký của dom.tamtv

Bài gửiTiêu đề: VĂN HÓA ĐỊA DANH TRUNG QUỐC   VĂN HÓA ĐỊA DANH TRUNG QUỐC I_icon_minitimeWed Jan 02, 2013 11:15 pm Về Đầu Trang Go down

VĂN HÓA ĐỊA DANH TRUNG QUỐC

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang

* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
* Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài.
Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Hội Ca Đoàn Giáo Họ Thánh Giuse Thiên Lý :: Góc Học Tập :: Các Môn Học :: Chinese-
Đóng ChatRoom